SỨC MẠNH KỲ DIỆU CỦA NÃO PHẢI
Lịch sử phát triển của não phải vẫn còn mới mẻ
Khả năng của não phải được đưa ra thảo luận trước công chúng lần đầu tiên vào năm 1981 khi giáo sư Roger Sperry, thuộc Viện Công nghệ California, (cùng David Hubel và Torsten Wiesel) được nhận giải thưởng Nobel trong lĩnh vực sinh lý học và y học nhờ nghiên cứu của mình. Trong quá khứ, não phải thường được cho là hoạt động cùng phương thức giống não trái. Tuy nhiên, các nhà khoa học khám phá ra rằng não phải có những chức năng kỳ diệu, thực sự đáng ngạc nhiên.
Vì vậy, khi kích hoạt não phải, những khả năng vô hạn sẽ được giải phóng và phát triển.
Các phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay mới chỉ đề cập đến não trái vì những chức năng của não phải hầu như vẫn chưa được biết đến.
Trong cuốn sách Gumonij Someiho Hiden (Cuộc tìm kiếm quy luật bí ẩn của trí khôn) của Yasuo Kiriyama, tác giả đã trình bày quan điểm của giáo sư J. E. Bogen của Viện Công nghệ California rằng các nhà giáo dục tại trường học hiện nay mới chỉ tiếp cận với một bên bán cầu não của học sinh. Điều này dẫn đến chỗ những người có tiềm năng đạt được thành công sẽ bị từ chối cơ hội học tại trường chỉ vì khả năng từ một nửa bán cầu của họ không được phát huy.
Kiriyama cũng đề cập đến nhận định của George Gallup – người sáng lập Viện Công luận Mỹ – rằng, từ góc nhìn sinh lý học của não bộ, con người mới chỉ sử dụng từ 2 đến 5 % trí thông minh của mình. Gallup biểu lộ sự hối tiếc vì không ai muốn thử sử dụng hơn 90% năng lực còn lại và điều này thật vô lý đến mức nực cười.
Trên thực tế, những khả năng chưa được phát triển ở con người nằm ngay ở não phải. Não trái là phần não vật lý ba chiều, trong khi não phải hoạt động chức năng ở mức độ tinh thần cao hơn. Cho đến nay, khoa học vẫn tránh nghiên cứu những đối tượng vô hình. Vì vậy, những chức năng siêu việt và tiềm năng kỳ diệu của não phải vẫn bị bỏ ngỏ và chưa được khám phá.
Vì sao không sử dụng não phải?
Tại sao những chức năng của não phải không được khám phá sớm hơn? Đó là do sự khác nhau về chức năng giữa não trái và não phải. Hai phần não bộ này có phương pháp xử lý thông tin khác nhau. Não trái xử lý thông tin thông qua ngôn ngữ, còn não phải xử lý thông tin thông qua các hình ảnh. Khi một người thực hiện một việc nào đó, một trong hai bán cầu não bộ sẽ chiếm ưu thế để thực hiện việc đó. Ví dụ, não trái chiếm phần ưu tiên khi con người nói hay đọc. Nó sẽ phản ứng ngay lập tức trong suốt những việc như vậy. Não phải rất ít liên quan đến các vấn đề về ngôn ngữ nhưng sẽ chiếm ưu thế khi xử lý các hình ảnh có được từ cảm giác.
Hai bán cầu não bộ phát triển theo một thứ tự nhất định. Đầu tiên, não phải chiếm ưu thế. Song, từ ba tuổi trở lên, khi tư duy logic và tư duy ngôn ngữ bắt đầu phát triển, quyền kiểm soát sẽ chuyển từ não phải sang não trái. Sau sáu tuổi, quá trình tư duy của trẻ thông qua hình ảnh thị giác sẽ mất đi ưu thế để nhường chỗ cho quá trình tư duy ngôn ngữ.
Tư duy là quá trình những hình ảnh lưu giữ trong trí nhớ được xử lý và sắp xếp lại. Quá trình tư duy của não phải thực hiện việc ghi nhớ này bằng các hình ảnh cảm giác, trong khi não trái thực hiện thông qua ngôn ngữ.
Dù vậy, sự lưu trữ thông tin của não phải vẫn phong phú hơn rất nhiều. Nhưng, sau sáu tuổi, con người không còn sử dụng nhiều não phải vốn là nơi lưu trữ lượng lớn thông tin nữa, mà thay vào đó, thường dựa vào quá trình tư duy ngôn ngữ của não trái. Đây là lý do tại sao năng lực học tập của chúng ta lại cực kỳ hạn chế.
Tiến sĩ Yoshiya Shinagawa, một nhà sinh lý não bộ nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về não phải, đã giải thích rằng tỉ lệ tiếp thu học tập giữa não trái và não phải là 1: 1.000 000.
Thật không may, có một cơ chế đang ngăn cản chúng ta sử dụng thường xuyên não phải và năng lực học tập ưu việt của nó. Trong giai đoạn từ sơ sinh đến sáu tuổi, não phải vẫn đang chiếm ưu thế và có thể được sử dụng dễ dàng. Sau giai đoạn đó, việc sử dụng não phải sẽ trở nên khó khăn hơn.
.
Các bài tập hình ảnh trên Bive.edu.vn
Ngoài quá trình tư duy ngôn ngữ của não trái, con người còn sở hữu quá trình tư duy hình ảnh của não phải. Cả hai quá trình này đều tiếp nhận thông tin thông qua năm giác quan(1). Cần phải hiểu rằng não trái có năm giác quan và não phải cũng có năm giác quan như vậy.
(1) Tham khảo thêm cuốn sách Bí ẩn của não phải để hiểu rõ hơn về năm giác quan của não phải.
“Năng lực thị giác” là một trong năm giác quan của não phải dùng để nhìn những vật vốn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tờ New York Times số ra ngày 22/10/1996 đã đăng một bài báo trong mục “Báo cáo quốc gia” về thẩm phán Tony Cothren của tòa án tỉnh Jefferson ở Alabama. Theo bài báo, vị thẩm phán này bị mắc bệnh tăng nhãn áp từ lúc mới sinh. Ông mất thị lực hoàn toàn khi lên tám tuổi. Nhưng trong phiên tòa, khi người làm chứng chưa hạ tay xuống sau khi nói lời thề, thẩm phán Cothren khiến mọi người trong phòng xử án hết sức ngạc nhiên khi nói: “Ông có thể hạ tay xuống rồi!”. Khi được hỏi vì sao ông biết người kia vẫn đang giơ tay thề, ông nói: “Dù tôi bị mù, tôi vẫn có thể nhìn thấy các hình ảnh”.
Theo sinh lý học, con người có hai giác quan để nhìn: thị giác của não trái để nhìn những vật thể hữu hình và thị giác của não phải giúp nhận biết những vật thể vô hình. Trẻ nhỏ có thể sử dụng các giác quan của não phải một cách tự nhiên vì não phải của trẻ vẫn đang chiếm ưu thế.
Cô Risa Tanaka nói chuyện với con gái Satoe bốn tuổi của mình trong khi con đang thiu ngủ. Vì ngày mai, hai mẹ con sẽ quay trở lại lớp học tại Viện Giáo dục Trẻ em Shichida sau kỳ nghỉ đông, nên cô thì thầm với con: “Cũng lâu rồi chúng ta không đến lớp học chơi cùng các bạn. Chắc con sẽ mừng lắm khi được gặp lại bạn Keiko và Shinya nhỉ”. Satoe bất chợt mở to mắt và trả lời: “Mẹ ơi, Shinya không đến đâu, nhưng sẽ có một bạn mới đến học”. Lúc ấy, cô Tanaka không nghĩ gì nhiều đến câu trả lời của con gái.
Ngày hôm sau, trước giờ học, cô rất ngạc nhiên khi cô giáo thông báo hôm nay sẽ có một bạn mới tham gia buổi học. Cô cũng nhìn xung quanh xem có thấy Shinya ở đó không và càng sửng sốt hơn khi thấy cậu bé đã nghỉ học. Đó là cách trẻ nhỏ sử dụng tự nhiên các giác quan não phải.
Bé K là một bé nhỏ đã học ở Viện Shichida hơn một năm. Mẹ bé đã chia sẻ với
chúng tôi câu chuyện về khả năng trực giác của con(2)
(2) Nguồn: Viện Giáo Dục Shichida Việt Nam.
Con rất nhạy cảm và hiểu được mẹ đang suy nghĩ điều gì. Có lần đi ăn ở nhà hàng, con chạy nhảy rất nhiều khiến mẹ không hài lòng. Mẹ mới chỉ nghĩ trong đầu: “K ơi, ước gì con ngồi yên một chút để không làm mẹ một nhỉ”. Vậy mà ngay lập tức con ngồi bệt xuống mà không còn chạy khắp nơi nữa. Kể từ khi học phương pháp Shichida, mẹ cũng biết yêu thương, nhìn nhận con đúng như bản thân của con, biết chơi và học với con nhiều
hơn.
Mẹ bé K, TP. Hồ Chí Minh
Mẹ của bé T cũng chia sẻ với Viện câu chuyện về khả năng trực giác của bé
T:
Một hôm mẹ và T đang đi xe taxi thì T đột nhiên rất bức xúc, khó chịu và nói với mẹ: “Xe cứu thương đâu hả mẹ?”, con hỏi mẹ rất nhiều lần dù mọi khi đi đường này con chưa từng hỏi mẹ về xe cứu thương. Đi xe một lát nữa thì hai mẹ con gặp một vụ tai nạn, mẹ vô cùng ngạc nhiên khi T biết trước được điều này.
Mẹ bé T, Hà Nội
Não phải được thiết lập với những năng lực khác biệt
Tự bản tính tự nhiên, con người sở hữu những mạch năng lực đặc biệt. Những mạch này không được sử dụng đến trừ khi con người biết về chúng. Và thế là, chúng ta có những khả năng tuyệt vời song đã bị bỏ quên. Một khi đánh thức được những khả năng này, chúng ta sẽ hoàn toàn thay đổi.
Làm thế nào để phát triển những khả năng tiềm tàng đang ngủ yên này?
Điều quan trọng là phải hiểu rằng não phải có những mạch năng lực hoàn toàn khác với não trái. Con người sở hữu một nhóm những mạch giác quan, thông tin và trí tuệ hoàn toàn đang ngủ yên và khác với những mạch vốn đang được sử dụng. Trước hết chúng ta cần nhận ra thực tế này.
Để phát triển những mạch năng lực của não phải, thì trước hết ta cần phát triển các mạch giác quan của não phải.
Các chức năng cơ bản của não phải và não trái đều được kiểm soát bởi năm giác quan. Khi năm giác quan của não phải được phát triển, năng lực và trí tuệ của não phải cũng đồng thời được phát triển. Môi trường thông tin của não phải là các hình ảnh, như thể là một loại ngôn ngữ dành cho não phải. Những năng lực của não phải đều được kết nối thông qua các hình ảnh.
Khi năm giác quan của não phải được phát triển, mọi tài năng gắn kết với não phải cũng nảy nở. Ví dụ, khả năng ghi nhớ, khả năng tính toán, tài năng âm nhạc, năng lực thể chất, tài năng nghệ thuật của não phải cũng sẽ được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ.
Hiểu về chức năng của não phải thông qua các ví dụ thực tế của trẻ
Trong quá khứ, các học giả ước tính rằng trẻ bắt đầu phát triển tư duy logic thật sự vào khoảng tuổi lên sáu, vì vậy trong giáo dục, người ta chỉ tập trung vào tư duy logic. Khi trẻ kể về những trải nghiệm thị giác cho người lớn nghe, vì người lớn không thể thấy được giống như vậy nên họ thường phủ nhận hoặc coi đó chỉ là những ý nghĩ kỳ quặc hoặc thơ ngây của trẻ con. Tuy nhiên, những chức năng của não phải thực sự tồn tại và được đặc trưng bằng độ nhạy cảm, khả năng trực giác và năng lực tưởng tượng. Trẻ thường thể hiện những tài năng kỳ diệu mà người lớn không có. Thật không may, không có nghiên cứu chuyên sâu nào về sự phát triển thời thơ ấu của trẻ tập trung vào những tài năng hoặc trải nghiệm phi thường như thế.
Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Jean Piaget đã chia sự phát triển nhận thức của trẻ thành ba giai đoạn: giai đoạn vận động – cảm giác, giai đoạn tiền thao tác và giai đoạn thao tác(*). Ông nhìn tư duy não phải của trẻ như quá trình nhận thức tiền thao tác. Trước đó, phần đông các học giả đều xem tư duy của trẻ ở cấp độ thấp hơn so với tư duy nhận thức của người lớn. Họ không chấp nhận những trải nghiệm khác thường của trẻ vì hệ thống nhận thức của trẻ không nằm trong hệ thống tư duy của người lớn.
(4) Giai đoạn thao tác: Trong các sách khác, sự phát triển này thường phân thành bốn giai đoạn: giai đoạn vận động – cảm giác (sensorimotor); giai đoạn tiền thao tác (preoperational); giai đoạn thao tác cụ (concrete operational) và giai đoạn thao tác hình thức (formal operational). (N.D)
Tuy vậy, gần đậy, cách nhìn nhận về trẻ đã thay đổi vì các học giả bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của trẻ em. Vì chúng ta không ý thức được những chức năng riêng biệt của não trái và não phải, nên đã vô tình bỏ qua những năng lực khác biệt ở trẻ nhỏ. Thông qua việc hiểu trẻ, các học giả đang cố gắng tìm hiểu những tiềm năng ở mỗi cá nhân con người, sự tiến hóa của cả loài người, và sự xuất hiện của những nền văn hóa mới trên thế giới. Con người ngày nay đang trải nghiệm sự chuyển dịch từ hệ thống giá trị của não trái sang hệ thống những giá trị của não phải.
Rất nhiều người nhận ra khao khát muốn phát huy những năng lực não phải, sẽ là một điềm báo trước cho bước tiến hóa tiếp theo của cả nhân loại.
Khả năng ghi nhớ lượng lớn thông tin với tốc độ cao của não phải
Không giống như não trái, não phải có thể được sử dụng để ghi nhớ những khối lượng lớn thông tin với tốc độ cao. Trí nhớ của não trái là phương pháp xử lý theo chuỗi nhằm nối kết và sắp xếp các yếu tố theo chiều tuyến tính.
Ngược lại, trí nhớ của não phải hoạt động theo phương pháp xử lý song song. Đây được gọi là trí nhớ chụp hình, cho phép ta chụp lại và ghi nhớ toàn bộ sự vật khi chỉ cần nhìn thoáng qua. Với loại trí nhớ này, những khối lượng lớn thông tin sẽ được lưu trữ ngay lập tức.
.
.
Một ví dụ cho nhóm người sở hữu loại trí nhớ chụp hình này là nhà soạn nhạc đại tài Hiroyuki Iwaki, người có khả năng ghi nhớ toàn bộ bản nhạc ngay lập tức. Trong lúc điều khiển dàn nhạc giao hưởng, ông có thể hình dung ra các nốt nhạc lơ lửng trong không khí, thậm chí hình dung mình đang lật sang trang khác của bản nhạc. Tương tự, nhạc công piano nổi tiếng Rubinstein và nhà soạn nhạc Toscanini cũng có thể chụp lại và ghi nhớ được các bản nhạc và trình diễn các giai điệu đó khi hình ảnh về các nốt nhạc hiện ra trước mắt.
Ở Nhật Bản, Kumagusu Minakata, một trong ba thiên tài ở Quận Wakayama, là người nổi tiếng đã sở hữu trí nhớ chụp hình ngay từ khi còn nhỏ. Jiro Kosaka, một tác giả viết sách đã kể lại rằng: khi Kumagusu vào bậc tiểu học, ở nhà một người bạn, cậu có thể chụp lại hình ảnh và ghi nhớ chính xác hàng trăm trang sách ở năm tập bách khoa toàn thư Wakan Sansai Zue (bách khoa toàn thư có minh họa của Nhật) được biên soạn từ thời Edo. Và dựa vào trí nhớ của mình, khi về nhà, cậu đã chép lại nội dung đó.
Kiyoshi Yamashita, một người nghệ sĩ lang thang, cũng được biết đến với trí nhớ chụp hình. Khi cậu mười tám tuổi và sống ở Viện Yawata Gakuen dành cho những người khuyết tật trí tuệ, một hôm, tất cả mọi người ở Viện được đến dạo chơi tại Ueno Hirokoji (một quận mua sắm ở Tokyo). Trên đường trở về Viện, Yamashita bắt đầu vẽ tranh phong cảnh Ueno Hirokoji hết sức chi tiết. Mọi tấm bảng quảng cáo của các cửa hàng dọc Hirokoji đã được sao chép lại chính xác. Các tấm bảng có ghi bằng tiếng Anh cũng không hề có lỗi chính tả. Những nhân viên nhìn thấy bức tranh này đều sửng sốt vì nghĩ Yamashita biết tiếng Anh. Nhưng thực tế, Yamashita không cần biết tiếng Anh, anh chỉ cần khả năng ghi nhớ chụp hình để lưu trữ lại tất cả mọi thứ khi nhìn thoáng qua và tái hiện chúng thông qua năng lực hình dung hình ảnh.
Khả năng tính toán nhanh của não phải
Theo quan niệm truyền thống, khả năng tính toán được cho là chức năng của não trái. Tuy nhiên, não phải cũng có chức năng tính toán riêng. Chức năng này gọi là “khả năng tính toán nhanh” và rất nhiều người mang “hội chứng bác học ngốc nghếch” sở hữu khả năng này.
Đây là một ví dụ được trích từ cuốn Những con người phi thường của Darold Treffert. Vào đầu thế kỷ 20, có một người đàn ông mù và bị khuyết tật trí tuệ tên Flure đã sống cả đời trong Viện Tâm thần Pháp. Từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện tài năng tính toán đáng kinh ngạc. Khả năng tính toán của ông thu hút mười hai nhà toán học hàng đầu trên khắp châu Âu. Họ quyết định kiểm tra và yêu cầu ông giải bài toán dưới đây: Có sáu mươi tư thùng. Nếu ta đặt một hạt ngô vào thùng đầu tiên, hai hạt ngô vào thùng thứ hai, và tiếp tục đặt số hạt ngô gấp đôi số hạt ở thùng trước vào thùng phía sau, thì tổng cộng có bao nhiêu hạt ngô ở sáu mươi tư thùng? Chỉ chưa đầy ba mươi giây, Flure đã đưa ra câu trả lời chính xác: 18.446.734.073.709.551.615 hạt. Các học giả không thốt được lời nào để giải thích cho khả năng này của ông.
Nhưng trên thực tế, đó chính là khả năng tính toán nhanh của não phải. Không giống như chức năng tính toán của não trái, não phải có thể sử dụng khả năng xử lý tự động với tốc độ cao. Do đó, việc tính toán được thực hiện tự động thông qua hình ảnh ngay khi câu hỏi được đưa ra.
Trẻ càng nhỏ, chức năng này càng dễ được phát triển. Có những bé nhỏ sáu tháng hoặc một năm tuổi đã làm người lớn hết sức ngạc nhiên khi chọn đúng câu trả lời cho một phép toán phức tạp trước hai đáp án được đưa ra. Khả năng xử lý tự động tốc độ cao của não phải đã hoạt động kể từ khi các em bé học ngôn ngữ mẹ đẻ chỉ bằng cách lắng nghe.
.
Tài nguyên toán não phải trên Bive.edu.vn
Trí nhớ hình ảnh của não phải
Không giống não trái vốn chỉ có thể ghi nhớ mơ hồ dựa vào ngôn ngữ, não phải ghi nhớ dựa vào hình ảnh. Theo bác sĩ tâm thần Silvano Arieti, trí nhớ hình ảnh có thể được giải thích bằng ví dụ sau. Khi một người cố gắng nhớ lại căn bếp của mình, anh cố gắng tái tạo từng chi tiết một. Đầu tiên là bàn ăn sáng, sau đó là bức tường, tiếp đến là lò nướng. Đối với hầu hết mọi người, việc hình dung ra ngay toàn bộ căn phòng là rất khó khăn, thậm chí là không thể.
Tác giả của cuốn sách Yasuragi no Seimei Kagaku (Khoa học đời sống hướng đến sự thoải mái), cô Keiko Yanagisawa nói rằng cô không thể hiểu được kiểu trí nhớ này vì cô vốn đã sở hữu trí nhớ não phải từ khi còn nhỏ.
Nếu cô muốn nhớ lại căn bếp của mình, cảnh tượng căn bếp ngay lập tức hiện lên trong tâm trí cô một cách sống động và đầy đủ mọi chi tiết. Khi tình cờ biết đến lời giải thích của bác sĩ Arieti về sự khác biệt giữa chức năng ghi nhớ của hai bán cầu não, lần đầu tiên cô nhận ra rằng cách cô ghi nhớ hoàn toàn khác mọi người. Trí nhớ của người khác thì giống như những hình bóng mơ hồ, mờ nhạt, và không hề giống những hình ảnh sống động đầy màu sắc của cô. Thế rồi, cô cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi nhận thấy rằng trí nhớ của mọi người hầu như đều hết sức mơ hồ, và có lúc cô còn cảm thấy lo lắng vì mọi người đã quên những gì cô nhờ họ làm.
Bán cầu não phải với bộ nhớ hình ảnh cho phép con người có thể nhớ được những gì đã xảy ra như thể đang xem lại những bức hình. Bất cứ em bé sơ sinh nào cũng dễ dàng phát triển trí nhớ não phải. Vì năng lực này là một chức năng của não phải, nên những trẻ em ở trong độ tuổi não phải chiếm ưu thế đều có thể phát triển năng lực này dễ dàng. Ngay cả học sinh tiểu học và trung học vẫn có thể dễ dàng phát triển năng lực này.
Trí nhớ hoàn hảo là một chức năng của não phải và khác hoàn toàn với trí nhớ của não trái. Một khi trí nhớ não phải được phát triển, con người không những cải thiện được những kỹ năng ghi nhớ của mình mà còn phát huy được năng lực sáng tạo. Khả năng sáng tạo cũng có hai loại: Khả năng sáng tạo của não trái và của não phải. Nếu chỉ sử dụng chức năng trí nhớ não trái, khả năng sáng tạo sẽ bị đè nén. Ngược lại, nếu trí nhớ não phải được phát triển, khả năng sáng tạo sẽ trở nên phi thường.
Làm thể nào để phát triển trí nhớ não phải?
Mặc dù con người sinh ra vốn đã có trí nhớ tuyệt vời, có tiềm năng ghi nhớ trong chớp mắt những gì nghe hoặc nhìn thấy và có thể nhớ lại chúng thông qua các hình ảnh, song có rất ít người sử dụng trọn vẹn khả năng này. Ngoài những gì đã nói ở trên, bán cầu não phải còn có chức năng tuyệt vời khác: nó có thể cộng hưởng và tận dụng bộ nhớ khổng lồ.
Người Maya ở Trung Mỹ đã tiên đoán từ một nghìn năm trước về bộ nhớ vô tận này. Họ tin rằng cuộc cách mạng về trí nhớ sẽ xảy ra khoảng từ năm 1987 tới 2012 và con người sẽ bắt đầu cộng hưởng với bộ nhớ to lớn. Hơn nữa, họ tin rằng con người sẽ tiến hóa trở thành một chủng người mới sở hữu những năng lực, trí thông minh và cảm xúc phi thường. Có vẻ như người Maya đã nhận thức được sự khác nhau về bản chất giữa bán cầu não phải và bán cầu não trái khi tiên đoán rằng con người sẽ bắt đầu sử dụng trí nhớ siêu phàm của não phải.
Làm thế nào để con người có thể cộng hưởng với bộ nhớ vũ trụ bằng cách phát triển trí nhớ não phải? Như tôi đã đề cập, trí nhớ não phải có khả năng cộng hưởng. Vạn vật trong vũ trụ được tạo thành bởi những hạt rất nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy được. Những hạt này luôn truyền đi dao động sóng. Vũ trụ luôn tràn ngập những đợt sóng dao động này. Về bản chất của các sóng, chúng luôn truyền đi như một thông tin dao động. Và nhờ có chức năng cộng hưởng của não phải, chúng ta có thể tiếp nhận được những trực giác và nguồn cảm hứng từ vũ trụ.
Tóm lại, não bộ hoạt động thông qua các sóng. Sóng não bộ gồm nhiều cấp độ khác nhau: sóng beta – sóng não khi con người có ý thức thông thường, sóng alpha – sóng hoạt động khi con người ở trong trạng thái vô thức, và cả sóng não theta nữa. Trong khi tâm trí của trẻ được tĩnh lặng nhờ hoạt động thiền tập và hít thở sâu, não phải được kích hoạt và cộng hưởng với các chuyển động sóng. Não phải sẽ tiếp nhận và chuyển những chuyển động sóng đó thành dạng các hình ảnh.
(Trích sách – giáo dục não phải, tương lai cho con bạn – Makoto Shichida)
…………………………………….
Tương lai rạng ngời của con trẻ sẽ bắt nguồn từ những bài học nhỏ ngày hôm nay.
Nếu mỗi ngày ba mẹ dành cho con chỉ 10 phút để học các bài học kích thích não phải trên website bive.edu.vn, thì sau một thời gian, ba mẹ sẽ thấy bất ngờ với những gì con đạt được.
Sự kiên trì trong vui vẻ là chìa khóa chính trong giáo dục não phải.